Nhu cầu lưu trữ nông sản, thực phẩm tăng đột biến khiến ngành kinh doanh kho lạnh trở nên "nóng" hơn bao giờ hết
Đại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh kho lạnh tại TP HCM cho biết hiện các kho lạnh tại TP HCM và khu vực lân cận thường xuyên trong tình trạng hết chỗ, các đơn vị vận hành phải rất khéo léo trong quản lý mới lưu chuyển được hàng hóa.
Cung chưa đủ cầu
Nguyên nhân là do nhu cầu gửi hàng tăng đột biến của các DN xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "DN nhập thịt đông lạnh về tiêu thụ chậm nên thời gian gửi hàng lâu hơn. DN xuất khẩu chờ container rỗng, chờ lịch tàu khởi hành bắt buộc phải lưu kho kéo dài hơn trước. Nhu cầu tăng trong khi để xây một kho lạnh mới cần nguồn vốn lớn và thời gian kéo dài từ 12-18 tháng nên nguồn cung không thể tăng ngay lập tức đã đẩy giá cho thuê kho tăng vọt, nhất là với khách vãng lai" - vị này nói.
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, mảng logistics lạnh (trong đó có kho lạnh) ở Việt Nam là phân khúc ngách của ngành logistics nhưng đang phát triển "nóng" nhất. Trước khi có dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mảng này đã ở mức 11%-12%.
Là một DN đang đầu tư kho lạnh từ năm ngoái ở Bến Lức (tỉnh Long An), bà Nguyễn Tú Uyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận chuyển CMU Logistics (TP HCM), cho hay dự kiến cuối năm nay, kho lạnh của công ty bà mới có thể đi vào hoạt động. "Tổng vốn đầu tư của kho là 160 tỉ đồng, sức chứa 12.000 pallet (khoảng 12.000 tấn) sẽ chia thành nhiều ô cài đặt nhiệt độ khác nhau để lưu trữ được nhiều loại nông sản, trái cây và thủy sản. Kho được vận hành bằng robot để bảo đảm độ chính xác trong điều kiện bảo quản đặc biệt" - bà Uyên chia sẻ.
Theo bà Uyên, việc đầu tư kho lạnh giúp công ty hoàn chỉnh dịch vụ logistics lạnh cho khách hàng nên dù chưa đi vào hoạt động nhưng đã có lượng khách đặt chỗ trước từ mối quan hệ làm ăn sẵn có nên dự kiến công ty có thể hoàn vốn sau 5 năm.
Theo bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản Rau quả CASS (tỉnh Long An), lượng nông sản gửi vào kho của công ty bà cũng đang tăng trong thời gian gần đây. "Kho lạnh của chúng tôi dùng công nghệ điều chỉnh khí, giúp kéo dài thời gian bảo quản tươi lên 2-4 lần so với bảo quản lạnh thông thường nên càng hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Hàng giữ được lâu nên khách hàng yên tâm chờ được tàu, từ đó mở rộng được thị trường xuất khẩu" - bà Lệ Chân cho biết.
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường JLL Việt Nam, kho lạnh đang là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà phát triển bất động sản khi số lượng kho lạnh ngày một tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Theo đó, kho lạnh có 3 phân khúc chính là kho trữ đông lạnh sâu (từ -30 tới -28 độ C), kho đông lạnh (từ -20 tới -16 độ C) và kho mát (từ 2 tới 4 độ C) để lưu trữ thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí là vắc-xin. Công ty này cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam, kho lạnh chứa thủy sản sẽ hoạt động hiệu quả nhất trong vòng bán kính 50 km đến các cảng, còn kho chứa rau quả nên được bố trí gần các khu đô thị.
"Tiềm năng của kho lạnh đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản, cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và bên cho vay. Nhiều nhà đầu tư cũng đang cân nhắc bỏ vốn vào kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống" - Công ty Nghiên cứu Thị trường JLL Việt Nam thông tin.
Một kho lạnh chứa thực phẩm nhập khẩu ở quận Bình Thạnh, TP HCM
Cần có chính sách hỗ trợ
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng), cho rằng nông nghiệp Việt Nam thường xuyên ở trong tình trạng "được mùa mất giá" là do thiếu những trung tâm bảo quản, sơ chế tại các vùng nguyên liệu.
"Nông dân không đủ sức xây kho, còn các nhà đầu tư thì đợi chính sách hỗ trợ cụ thể để bảo đảm hiệu quả kinh doanh nên mảng này hiện còn rất trống. Mảng thứ hai là kho lạnh phục vụ các DN chế biến xuất khẩu cũng thiếu do các nhà nhập khẩu đang có xu hướng bán tới đâu mua tới đó thay vì mua trữ như trước. Điều này buộc các DN xuất khẩu vừa phải có kho lạnh trữ nguyên liệu do nguyên liệu có tính mùa vụ, vừa phải có kho trữ cả thành phẩm để bán quanh năm. Chi phí thuê kho lạnh cao, các DN không dám mạnh dạn mua nguyên liệu cho nông dân nên khi hàng dội thì nông dân vẫn là người chịu thiệt nhất" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Cũng theo ông Lĩnh, cách đây 10 năm, nhà nước nói khuyến khích đầu tư kho lạnh nhưng chưa có chính sách cụ thể như: miễn giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay hay giảm thuế thu nhập DN thì lĩnh vực này chưa thể phát triển như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T (TP HCM), cho hay giải pháp kho lạnh hiện nay chỉ phù hợp với một số mặt hàng trái cây có giá trị cao. Những mặt hàng khác gửi ở kho lạnh chỉ là tạm thời vì gửi càng lâu sẽ càng tốn chi phí, trong khi hàng tươi vẫn tiếp tục thu hoạch. Hiện nay, sầu riêng trữ kho lạnh nhiều vì đây là hàng giá trị cao lại có thị trường ở phân khúc đông lạnh. Hay như vải thiều, mỗi năm chỉ một mùa thì có thể trữ. Vì vậy, vẫn rất cần những giải pháp khác như chế biến, điều chỉnh canh tác mới giải quyết được bài toán được mùa mất giá.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH